Sắp hết quý 2 năm 2023, taxi bay Việt Nam có mơ đến dịch vụ này?

 Tình trạng tắc nghẽn giao thông ở các thành phố lớn trên thế giới là nỗi lo của mọi người. Để giảm bớt tình trạng này, cách đây hơn thập kỷ một số ông lớn công nghệ cùng các hãng hàng không, đã hợp tác để nghiên cứu, thiết kế một phương tiện giao thông mới lạ - taxi bay. Sau nhiều lần thử nghiệm thành công, taxi bay sẽ cất cánh trong năm nay.

Những kế hoạch dự án taxi bay đầy triển vọng

CÁM ƠN NHÀ TÀI TRỢ 

Taxi bay là một dạng máy bay nhỏ chạy bằng điện (eVTOLs), cất cánh và hạ cánh theo phương thẳng đứng. Loại phương tiện này có từ 2 đến 5 chỗ ngồi. Ý tưởng chung của những nhà phát triển loại phương tiện này là phải đơn giản hơn, rẻ hơn, xanh hơn và yên tĩnh hơn máy bay trực thăng động cơ đốt trong. Với thị trường hứa hẹn có giá trị lên tới 1,5 nghìn tỷ USD, rất nhiều ông lớn công nghệ đã công bố kế hoạch cho ra đời taxi bay. Theo công ty tư vấn McKinsey, khắp thế giới hiện có khoảng 200 dự án taxi bay, nhưng chỉ có một số dự án loại này được người ta thường nhắc tới:

Uber - một công ty đa quốc gia của Mỹ chuyên cung cấp các dịch vụ giao thông vận tải thông qua một ứng dụng công nghệ, cuối năm 2020 Uber đã cho thử nghiệm taxi bay tại các thành phố ở Mỹ, Dubai và vài nước khác. Taxi bay của Uber được giới thiệu đạt vận tốc tối đa 241,4 km/h, có sức chứa tối đa 4 hành khách và 1 tài xế. Taxi bay này không cần chạy đà, có thể cất, hạ cánh giữa phố.

Hãng AeroMobil của Slovakia vốn nổi tiếng với chiếc xe bay 4.0 STOL, kết hợp xe hơi và máy bay không cần đường băng cất/hạ cánh, lại cho ra mắt một chiếc taxi bay được cho là “siêu xe” 5.0 VTOL. Xe này cất cánh thẳng như máy bay trực thăng, có thể thu mình thành chiếc ô tô chạy trên đường như mọi chiếc xe hơi.

Hãng Airbus của Pháp phát triển mẫu taxi bay Airbus Vahana, xe có khả năng tự lái hoàn toàn. Đầu năm 2018, chiếc xe bay này đã thử nghiệm thành công, bên cạnh đó Pháp còn thử nghiệm loại taxi chạy trên mặt nước Sea Bubbles. 

CÁM ƠN NHÀ TÀI TRỢ

Airbus Vahana
Kitty Hawk - một công ty khởi nghiệp thuộc thung lũng Silicon được sự hỗ trợ từ nhà đồng sáng lập Google, năm 2020, Kitty Hawk đã thử nghiệm chiếc taxi bay đầu tiên. Giám đốc điều hành Sebastian Thrun của hãng cho biết, taxi bay này dễ điều khiển như chiếc Minecraft, nghĩa là xe này không cần tài xế có bằng lái máy bay.
Volocopter GmbH- công ty công nghệ Đức đã thử nghiệm thành công taxi bay Volocopter 2X tại Wisconsin. Xe chạy bằng 18 miếng pin, chở 2 hành khách, được điều khiển bằng cần. Trong lần bay thử nghiệm, Volocopter 2X đi được 27,3 km trong vòng 30 phút.
Mỹ là nước có nhiều hãng sản xuất taxi bay, đó là: Moog đã thử nghiệm taxi bay Moog Surefly, nó có 8 cánh quạt và đạt vận tốc tối đa 120 km/h, điểm trừ của xe là chạy bằng xăng. Hãng Terrafugia đã tập trung phát triển mẫu taxi bay Terrafugia Transition, có thể xếp cánh và bánh gọn vào thân. Hãng Joby Aviation có chiếc taxi bay chạy điện S4 eVTOL. Hãng Jaunt Aviation, đàn em Joby Aviation đã kết hợp với Tập đoàn Triumph phát triển một chiếc taxi bay có hình dáng lai tạo giữa một chiếc trực thăng và máy bay. 
Công ty hàng không Canada Opener Inc đã ra mắt chiếc taxi bay Opener BlackFly. Chiếc xe này xuất phát từ ý tưởng của nhà làm phim BlackFly, nó có 1 chỗ ngồi, có 8 cánh quạt, đạt tốc độ tối đa 116 km/h, cất, hạ cánh tự động. 
Tại Trung Quốc, loại taxi bay mang tên Ehang 184, tự lái, đã thực hiện thành công các chuyến bay chở người đầu tiên. Xe này được quảng cáo là một thiết bị bay tự động, an toàn tuyệt đối, dễ dàng sử dụng cho mọi đối tượng, vượt qua giông bão, chở nặng hơn 230 kg. Trung Quốc còn đang phát triển loại Eh216, bay tự động nhưng được giám sát bởi một trung tâm điều khiển trên mặt đất, có thể điều khiển hạ cánh trong trường hợp khẩn cấp, Eh216 có phạm vi hoạt động 35 km giữa các lần sạc và tốc độ tối đa 130 km/h.
Hãng Porsche - chuyên sản xuất xe hơi thể thao hạng sang của Đức và hãng Boeing - tập đoàn hàng không số 1 thế giới của Mỹ, đã bắt tay cho ra đời taxi bay Porsche-Boeing.
Hãng Hyundai của Hàn Quốc đã thành lập bộ phận phát triển taxi bay từ tháng 9/2019 và đã mời chuyên gia là nhà nghiên cứu kỳ cựu của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) vào lĩnh vực này.
Hãng xe thể thao của Anh Aston Martin, năm 2018, đã giới thiệu taxi Volante Vision, 3 chỗ ngồi bố trí thành hình tam giác.

Taxi bay của Hyundai
Hãng xe thể thao của Anh Aston Martin, năm 2018, đã giới thiệu taxi Volante Vision, 3 chỗ ngồi bố trí thành hình tam giác.
Hãng Rolls-Royce của Anh, có hai công ty dưới tên Rolls-Royce, một sản xuất động cơ máy bay và một sản xuất xe sang, mẫu taxi bay cũng có tên Rolls-Royce. Nó được giới thiệu có tốc độ tối đa 402 km/h, có thể bay hơn 800 km, nhờ hệ thống động cơ tua-bin khí gas cung cấp năng lượng cho các môtơ điện. 
Đặc biệt phải kể tới Hãng Vertical Aerospace cũng của Anh, năm 2022 hãng tổ chức chuyến taxi bay VX4 eVTOL đầu tiên. Loại này chạy bằng 8 cánh quạt lớn, có 5 chỗ khách ngồi, 1 ghế phi công ở phía.

Chuẩn bị cất cánh
Các hãng vận tải xem taxi bay là phương tiện lý tưởng để vận chuyển khách du lịch giàu có và doanh nhân đến và đi từ các sân bay, hoặc những điểm thường bị kẹt xe. Hai năm qua, các hãng hàng không thương mại lớn trên thế giới đã đặt mua hơn 1.500 chiếc taxi bay. Công ty Vertical Aerospace vừa kể trên, đã có thỏa thuận với các hãng hàng không American Airlines, Japan Airlines và Virgin Atlantic Airways để chuẩn bị cho dịch vụ này vào năm những năm tới. Virgin Atlantic đã đặt mua tới 150 chiếc máy bay VX4 của Vertical Aerospace. Các hãng bay khác cũng đặt mua taxi bay để giải quyết các nhu cầu cụ thể. Tháng 9/2022, Hãng Gol Linhas Aéreas Inteligentes SA của Brazil đồng ý mua hoặc thuê 250 chiếc VX4. Pháp có kế hoach mua taxi bay Volocopter của Đức để phục vụ Olympic Paris 2024; Hãng hàng không Japan Airlines cho biết, mua 100 chiếc VX4 để phục vụ cho World Expo 2025.
Taxi bay Volocopter của Đức
Các nhà sản xuất cùng các bên thuê, mua taxi bay đã và đang xây dựng các trạm sạc điện, thực hiện những chuyến bay thử nghiệm cũng như hoàn thiện các đường bay riêng và trạm taxi bay. Các trạm này thường được đặt tại sân thượng các trung tâm thương mại, bệnh viện, cơ quan hành chính quan trọng trong thành phố. Mỗi trạm như vậy có khả năng đáp ứng 10.000 hành khách mỗi ngày. Theo ước tính của Liên hợp quốc, 68% dân số thế giới sẽ sống tại các thành phố vào năm 2050, so với 55% ở thời điểm hiện tại. Những mái nhà và các bãi đỗ máy bay trực thăng có thể được sử dụng làm địa điểm cất và hạ cánh taxi bay.
Nhiều công ty phát triển taxi bay đang xin phê duyệt kiểu loại phương tiện, xin cấp phép bay, dường như ngày thương mại hóa dịch vụ taxi bay đến rất gần. Để taxi bay cất cánh, tất nhiên, phải xin phép. Mỗi nước có quy định riêng, nhưng ba loại quy định bắt buộc: Giấy chứng nhận kiểu loại, chứng nhận cho phép sản xuất máy bay với số lượng lớn. Và để vận chuyển hành khách, cần phải có giấy phép hoạt động kiểu một hãng hàng không - đảm bảo độ an toàn cao. Các nhà chức trách hàng không thế giới, như Cơ quan An toàn hàng không Liên minh châu Âu (EASA), bắt đầu hoàn thiện các tiêu chuẩn an toàn cho taxi bay để không “tắc nghẽn bầu trời”, không để những hiểm họa “từ trên trời rơi xuống”…
Cách nay vài năm, EASA xuất bản tài liệu 160 trang, cho thấy, taxi bay có thể trở thành hiện thực bay thương mại sớm nhất vào năm 2024. Nhưng nhiều thông tin gần đây cho thấy, khoảng cách đó đã được rút ngắn. Trong năm 2023 có một số hãng đã hiện thực hóa “giấc mơ taxi bay”. Theo Bloomberg, Singapore là quốc gia đầu tiên trên thế giới đưa taxi bay vào hoạt động năm 2023. Nước Anh cho phép thử nghiệm taxi bay trong 2 năm ở thành phố Bristol, năm 2023, người dân ở thành phố này, sẽ được đi trên những chiếc taxi bay rất rộng rãi. Năm 2019, Công ty khởi nghiệp SkyDrive Inc của Nhật Bản đã thử nghiệm thành công taxi bay SD-03 và sẽ bắt đầu dịch vụ này năm 2023 ở khu vực Vịnh Osaka. Ông lớn Uber cho biết, sẽ triển khai dịch vụ này vào năm 2023.
Tương lai taxi bay ở Việt Nam
Việt Nam có sản xuất được taxi bay? Tính ứng dụng của nó trong tương lai ở nước ra sao? Câu trả lời của những nhà công nghệ Việt là: Với trình độ phát triển kỹ thuật-công nghệ của chúng ta hiện nay, có thể tự sản xuất được taxi bay, nhưng cần một chặng đường dài để đưa taxi bay vào khai thác thương mại. Nguyên nhân? Do chi phí sản xuất cao, kinh tế của Việt Nam còn hạn hẹp; do Việt Nam chưa quy hoạch đồng bộ các khu đất, nhà ở, nhà cao tầng… Điều đó sẽ gây khó khăn, nguy hiểm nếu sử dụng taxi bay.
Chúng ta háo hức chờ được chiêm ngưỡng những chiếc taxi bay trong Năm con Mèo và thấy giảm dần nạn kẹt đường, giảm dần các chỉ số ô nhiễm môi trường ở các thành phố lớn trên thế giới. Với nước ta, còn lâu, rất lâu… mới có taxi bay, chỉ mong các nhà chức trách quản lý giao thông ở cấp vĩ mô, ở các thành phố lớn, năm nay có những giải pháp mới để giảm ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường làm vơi đi nỗi khổ kẹt đường, khói bụi của người dân.

Theo vnreview





Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tương lai Thị Trường Bất Động Sản Huyện Đức Huệ

28/5 GẦN 96% SĨ TỬ CÙNG THAM GIA KỲ THI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC ĐỢT 2

Xã Mỹ Thạnh Tây huyện Đức Huệ đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương đầu tư các dự án tại Khu C