Các video ngắn: Vì sao gây 'nghiện', tốn thời gian?

 Luôn tự nhủ chỉ xem khoảng 30 phút, nhưng với những nội dung hấp dẫn được đăng tải dưới dạng video từ 30 giây đến dưới 3 phút, có những người lại mất vài giờ đồng hồ để xem các nội dung khác nhau trên internet.

Ảnh minh họa.
"Ngụp lặn" trong những video ngắn

Ngày nay, việc sử dụng điện thoại ngoài thời gian làm việc như một hình thức để giải trí cũng là một công cụ "giết thời gian" đối với nhiều người. Tuy nhiên, khoảng thời gian bị chiếm dụng đôi khi lại lên đến vài giờ đồng hồ chỉ vì quá "cuốn" với những nội dung được đăng tải trên mạng dưới hình thức video ngắn.

Theo tìm hiểu, video dạng ngắn là những video có thời lượng trung bình từ 60 giây đến 2 phút 20 giây. Tuy nhiên, tùy thuộc vào từng nền tảng, thời lượng video tối ưu có thể ngắn hơn hoặc dài hơn. Ví dụ: TikTok hiện cho phép video dạng ngắn dài tối đa 3 phút, trong khi trên Instagram Reels, thời lượng tối đa là 60 giây.

Là một người thường xuyên dành thời gian nghỉ ngơi buổi tối để lướt facebook, chị Phương Thảo (26 tuổi, Hà Nội) cho biết, bản thân luôn bị cuốn vào những nội dung được làm theo dạng video có thời gian khoảng tầm 3 đến 5 phút. Chính chị Thảo cho rằng, chỉ mất vài ba phút để xem phim như vậy sẽ không tốn nhiều thời gian, tuy nhiên đêm nào chị cũng dặn lòng xem một lúc nhưng khi nhìn đồng hồ thì đã là hơn 2h sáng.

"Ban ngày đi làm nên mình cũng ít động vào điện thoại, tối về tự hứa là chỉ xem một chút rồi đi ngủ sớm để hôm sau tỉnh táo. Tuy nhiên chưa hôm nào mình ngủ trước được 2h", chị cười trừ.

Một trong những nội dung mà chị Thảo hay xem nhất là những video tóm tắt, review phim. "Nếu xem cả một bộ phim sẽ mất khá nhiều thời gian, nên mình thường chọn cách xem review phim để tóm gọn ý của nội dung. Và lúc đấy mình có thể "xem" được nhiều phim hơn". 

Một người khác là bạn T.D. (sinh viên) cũng cho biết bản thân "nghiện" xem các review ngắn trên mạng. Chủ yếu học ca vào buổi chiều, T.D. thường sẽ đi ngủ vào khoảng 4-5h sáng tới trưa dậy rồi đi học luôn.

T.D. chia sẻ: "Lúc trước mình thường thức khuya chơi game, tuy nhiên dạo gần đây thì lại khác. Mỗi ngày ngoài khoảng thời gian chơi game, mình thường dành phần nhiều thời gian để xem video trên tiktok hay reels của facebook. Dù xem vào đêm muộn nhưng với những nội dung lôi cuốn càng khiến bản thân mình không dứt ra được. Cộng thêm việc sáng được nghỉ học nữa nên mình thường xem suốt cả đêm".

Dù biết thói quen xấu như thức khuya sẽ khiến da sạm đi và sử dụng điện thoại nhiều gây mệt mỏi, nhức mắt nhưng T.D. vẫn khó có thể ngừng xem. Thậm chí từng xoá tiktok nhiều lần nhưng cuối cùng vẫn phải tải lại.

Điều gì "gây nghiện" từ những video này?

Anh Trung Nghĩa (25 tuổi) - một editor tại công ty chuyên sản xuất nội dung trên nền tảng xã hội cho biết, bản thân anh cũng là người thường xuyên edit (cắt, ghép) những video ngắn để đăng tải lên mạng.

"Có những file người khác quay dựng mất cả một ngày, tuy nhiên khi edit mình chỉ chọn ra những nội dung quan trọng nhất và cố gắng cắt ghép sao cho thời lượng trên dưới 2 phút. Theo mình tìm hiểu, đa số mọi người hiện tại đều thích xem những video ngắn nhưng đầy đủ nội dung và thường bỏ qua những video dài quá 5 phút", anh Nghĩa cho biết.

Trung Nghĩa - 25 tuổi, Hà Nam hiện đang là editor tại một công ty truyền thông.
Việc đăng tải video luôn phải làm sao “gãi” đúng nỗi tò mò của người dùng về những gì sắp diễn ra trong video, vì thế nên anh Nghĩa thường xuyên phải chỉnh sửa cho nội dung mang được tính hài hước, ý nghĩa nhưng thời lượng ngắn. "Thật ra điều này cũng khiến nhiều người bị ảo giác đây chỉ là video ngắn, xem một chút có sao đâu. Cuối cùng thành ra cày ngày cày xuyên đêm", anh Nghĩa nhìn nhận.

Theo nhà tâm lý học thần kinh, tiến sĩ Sanam Hafeez (New York, Mỹ) chia sẻ tại buổi diễn thuyết cùng sinh viên tại Trường Đại học Columbia, thói quen tiêu thụ quá đà video ngắn là một “cuộc săn đuổi dopamine (chất dẫn truyền thần kinh)”. Mỗi lần xem một video ta thích, não bộ “được thưởng” với dopamine đem lại cảm giác hưng phấn.

Từ đó cơ chế củng cố ngẫu nhiên gia tăng độ gây nghiện: Không biết trước khi nào nội dung mình thích sẽ xuất hiện khiến người ta càng xem nhiều video để tăng khả năng lặp lại dopamine.
Nội dung ngắn hấp dẫn hơn vì khả năng tập trung của loài người đang dần giảm xuống, phần nào vì tốc độ tiêu thụ thông tin quá nhanh. Nghiên cứu khác cho thấy, nếu nội dung không hấp dẫn với họ, người dùng thường mất hứng thú chỉ sau 8 giây.

Nghiên cứu cũng chỉ ra, dạng video ngắn hấp dẫn khi người dùng có khả năng tập trung ngày càng giảm và ngại ngần các cuộc hội thoại dài. Lúc này, các video ngắn giúp họ duy trì cảm giác "thân mật ảo" với bạn bè mà không cần phải thực sự trò chuyện.
Tiến sĩ Sanam Hafeez - Nhà tâm lý học thần kinh.
Vì vậy, không phủ nhận những video ngắn đăng trên các trang mạng xã hội đều có tính giải trí cao, người dùng có thể lướt TikTok,Facebook, Youtube ở bất cứ đâu để “giết thời gian”.

Nhưng việc lạm dụng các trang mạng xã hội này và xem video từ đó quá nhiều sẽ mang lại những tác động không tốt đến sự phát triển của cơ thể đặc biệt là với não bộ của trẻ nhỏ. Những vấn đề trên đây vẫn chưa phải là toàn bộ những tác hại mà mạng xã hội đang gây ra mỗi ngày, vì vậy hãy thật tỉnh táo và sử dụng các trang truyền tải nội dung video ngắn một cách hợp lý nhất đồng thời duy trì các hoạt động xã hội để bảo vệ sức khoẻ...

Theo daidoanket


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tương lai Thị Trường Bất Động Sản Huyện Đức Huệ

28/5 GẦN 96% SĨ TỬ CÙNG THAM GIA KỲ THI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC ĐỢT 2

Xã Mỹ Thạnh Tây huyện Đức Huệ đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương đầu tư các dự án tại Khu C